Hàng Việt lép vế ở các chợ truyền thống

Xahoi - Sau ba năm triển khai chương trình "Người Việt dùng hàng Việt", qua khảo sát ở nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, cho thấy, hàng Việt bày bán vẫn ít.

Chợ Đồng Xuân (Ảnh minh họa)
Chợ Đồng Xuân (Ảnh minh họa)
 Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) về hàng Việt Nam tại các chợ cho thấy, chỉ có hàng thực phẩm là chiếm hơn 90% cơ cấu hàng hóa, các ngành hàng khác tỷ lệ này còn thấp.
Trong thời điểm khó khăn hiện nay, khi hàng hóa làm ra còn tồn đọng nhiều, doanh nghiệp (DN) cần làm gì để hàng Việt xuất hiện ngày càng nhiều trong các chợ truyền thống?
Hàng Việt lép vế
Chị Ðặng Thị Thu Dung, bán quần áo ở chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội) cho biết, chị đã bán hàng ở đây được gần 10 năm, các mặt hàng chủ yếu là hàng Trung Quốc, các sản phẩm này "ăn đứt" hàng Việt ở chỗ hợp thị hiếu, vừa túi tiền vì giá rẻ. Chị dẫn chứng: Cùng là sản phẩm áo sơ-mi nữ nhập hàng Trung Quốc chỉ có giá khoảng từ 80 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng, bán ra được từ 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng, nếu gặp khách chặt chẽ chịu mặc cả, người bán vẫn lãi vài chục nghìn, trong khi đó nhập hàng Việt vốn bỏ ra nhiều hơn nhưng lãi thu về vẫn không cao. Chị Nguyễn Thị Tuyết bán dép ở chợ Xuân La cho hay: Các sạp hàng bán giày dép ở chợ có tới 90% là hàng Trung Quốc. Theo phản ánh của người tiêu dùng (NTD), các sản phẩm này có mẫu mã đẹp, giá cả cũng hấp dẫn, dép lê, dép tông nhập vào chỉ khoảng 8.000 đến 20 nghìn đồng. Trong khi đó, cùng mặt hàng này sản xuất trong nước mẫu mã không đẹp, giá cao và chất lượng lại thua kém.
Ở Hà Nội, chợ Ðồng Xuân là trung tâm bán buôn nổi tiếng cả nước, hằng ngày phát luồng bán buôn một khối lượng lớn  đi nhiều tỉnh khu vực phía bắc. Ðiều tra hoạt động ở chợ cho thấy lượng hàng hóa luân chuyển qua chợ vào thời kỳ buôn bán thịnh vượng khoảng từ 15 đến 20 tấn/ngày, doanh thu hằng năm đạt hơn 4.000 tỷ đồng, thu hút khoảng 2.000 hộ kinh doanh. Trước đây chợ Ðồng Xuân chủ yếu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, khi mở cửa thị trường, cơ cấu hàng hóa đã có sự thay đổi rất lớn. Hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp tràn ngập, có những mặt hàng chiếm tới 90% thị phần như hàng điện tử, đồ chơi, hàng lưu niệm, đến các loại vải sợi, quần áo may sẵn... Chị Nguyễn Thị Hương, chủ sạp kinh doanh quần áo tại chợ Ðồng Xuân lý giải: Hàng Trung Quốc áp đảo hàng Việt là do mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá cả phải chăng, đánh trúng tâm lý của nhóm đối tượng thu nhập trung bình và thấp. Các thương nhân kinh doanh luôn "chiều" khách hàng, vận chuyển nhanh chóng, giao tận sạp, hết hàng cầm máy "phôn" là có ngay, sản phẩm lỗi được đổi và linh hoạt trong thanh toán. Ðối với mặt hàng hoa quả, qua nhiều năm sử dụng người tiêu dùng (NTD) đã có kinh nghiệm nếu sử dụng hoa quả không rõ xuất xứ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cho nên các loại quả sản xuất trong nước từng bước "lên ngôi". Tại chợ đầu mối phía nam (quận Hoàng Mai), lâu nay nguồn hoa quả của bà con miệt vườn Nam Bộ đã lưu thông ra Hà Nội hằng ngày, góp phần cung cấp hoa quả tươi cho thị trường Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ sạp cho biết: Mấy năm nay, hàng nhập và bán ra thị trường chủ yếu là các loại quả sản xuất trong nước, hàng dễ bán, hợp khẩu vị NTD, mùa nào thức ấy các chủ vựa đều vận chuyển đến tận nơi. Hoa quả thu hái xong là vận chuyển ra Hà Nội ngay, cho nên rất tươi và đặc biệt không sử dụng chất bảo quản, NTD yên tâm. Dựa trên kinh nghiệm tiêu dùng bây giờ khách hàng cảnh giác với các loại quả nhập khẩu không rõ xuất xứ. Ðây cũng là tín hiệu đáng mừng cho hoa quả nội.
Trên thực tế, phần lớn hàng hóa Trung Quốc có mặt ở các chợ hiện nay là hàng lậu đi qua đường tiểu ngạch, vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa; người kinh doanh luôn phải đối mặt với việc có thể bị tịch thu hoặc nộp phạt khi quản lý thị trường kiểm tra. Nhiều hộ buôn bán mong muốn bán hàng của nhà sản xuất trong nước nhưng với điều kiện chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp, giá phải chăng và đặc biệt là mối liên kết giữa nhà sản xuất và người kinh doanh ở chợ ngày càng thân thiết. Phía doanh nghiệp (DN) trong nước cần gạt bỏ tâm lý e ngại mang tiếng hàng chợ.
Doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đến chợ
Hiện nay cả nước có khoảng gần 9.000 chợ truyền thống, là kênh phân phối hàng hóa rộng khắp rất quan trọng, nếu khai thác hiệu quả thì lượng hàng nội địa tiêu thụ rất lớn. Việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống là ưu tiên hàng đầu trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Song lâu nay, nhiều DN Việt Nam chủ yếu chỉ quan tâm sản xuất hàng xuất khẩu, hàng chất lượng cao cho người có thu nhập trên trung bình, phân khúc thị trường cho những người có thu nhập thấp còn bỏ ngỏ. Nhiều mặt hàng của Việt Nam, nhất là sản phẩm may mặc chất lượng tốt, có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài, nhưng tại các chợ truyền thống chỉ chiếm thị phần khiêm tốn, bởi mẫu mã chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh. Với một chiếc áo sơ-mi nam của Việt Tiến có giá từ 500 nghìn đến một triệu đồng so với mức thu nhập của người dân còn thấp, thì tiêu thụ sẽ hết sức khó khăn. Trong tình hình thu nhập như hiện nay, khi mua sắm, NTD rất quan tâm đến giá, họ sẵn sàng chuyển sang mua hàng giá rẻ, phù hợp túi tiền. Do đặc thù NTD ở khu vực nông thôn rộng lớn lại có thu nhập thấp, nhưng đây là thị trường tiềm năng và dễ tính, nhưng chưa được quan tâm khai thác, các DN Việt chưa mấy quan tâm, nhiều mặt hàng còn bỏ ngỏ cho hàng nước ngoài chiếm lĩnh. Ðây là khâu yếu của sản xuất, lưu thông ở nước ta hiện nay cần tập trung khắc phục. Trả lời câu hỏi vì sao hàng Việt còn "lép vế" tại các chợ truyền thống, qua phân tích nguyên nhân đã được làm rõ, đó là: Sức cạnh tranh còn yếu; mẫu mã, giá cả chưa hấp dẫn; DN sản xuất chưa quan tâm đến kênh phân phối này; chưa thiết lập được mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; việc kiểm soát hàng nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc chưa tốt và cuối cùng là DN chưa khai thác tốt tâm lý NTD.
Những năm gần đây, nhất là khi cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động, sự thay đổi thói quen, nhận thức của NTD đã làm cho thị trường tiêu thụ hàng nội từng bước được mở rộng, tạo ra cơ hội "vàng" cho các nhà sản xuất đẩy mạnh lưu thông sản phẩm. Tuy nhiên, để thành công trong "chiếm lĩnh sân nhà", phía DN cần thay đổi tư duy, nghiên cứu kỹ thị hiếu khách hàng để đáp ứng yêu cầu NTD, tổ chức hệ thống phân phối linh hoạt tiếp cận kênh mua bán ở các chợ truyền thống trong cả nước. Ðể làm được điều đó trước hết các DN cần có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí, tiềm năng của các chợ truyền thống. Nắm bắt tâm lý cũng như thị hiếu của khách hàng để phân khúc thị trường, vừa sản xuất hàng chất lượng cao cho xuất khẩu và cho NTD thu nhập cao, nhưng không quên làm ra các sản phẩm phù hợp túi tiền của phần lớn người thu nhập trung bình và thấp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách, phương thức tiếp cận phù hợp để đưa sản phẩm vào chợ một cách hiệu quả, đặc biệt là tiếp cận các chợ đầu mối bán buôn; xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng, tiếp thị năng động, tìm được tiếng nói chung giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, phát huy tốt lợi thế "sân nhà". Ðối với nhà phân phối, bên cạnh việc quan tâm đến lợi nhuận, cần phát huy tinh thần tự hào dân tộc, ý thức công dân, góp sức cùng DN đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Các cơ quan chức năng tìm giải pháp hữu hiệu, tăng cường quản lý thị trường, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

ST:http://xahoi.com.vn/kinh-doanh/thi-truong-tieu-dung/hang-viet-lep-ve-o-cac-cho-truyen-thong-112924.html

Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét